11 loại thực phẩm cần tránh khi mới bắt đầu cho con ăn dặm
Khi mới bắt đầu cho con ăn dặm, bố mẹ sẽ có rất nhiều lựa chọn trong các loại thực phẩm và gia vị để gia tăng trải nghiệm kết cấu và mùi vị cho con. Tuy nhiên, có những loại thực phẩm mà bố mẹ cần tránh cho con ăn ngay khi mới bắt đầu hành trình ăn dặm. Bởi ngoài việc không phù hợp với hệ tiêu hóa cũng như nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, những loại thực phẩm này còn có thể gây ra dị ứng hoặc gây hóc nghẹn với trẻ.
Dưới đây là danh sách 11 loại thực phẩm cần tránh trong thực đơn ăn dặm của trẻ mà bố mẹ nên biết:
1. Muối
Vị giác của trẻ nhạy cảm hơn người lớn rất nhiều, vậy nên các loại gia vị là không cần thiết trong thời gian đầu trẻ ăn dặm, nhất là với muối. Bố mẹ tuyệt đối nên tránh gia vị này và các món ăn chứa nhiều muối trong thực đơn của trẻ dưới 1 tuổi. Bởi chúng có thể làm hỏng thận của con.Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi cần ít hơn 1g muối mỗi ngày, và lượng muối này con đã được nhận đủ từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.

2. Đường
Tương tự với muối, trẻ nhỏ cũng không cần thêm đường trong các món ăn dặm của mình. Đường có thể làm hỏng những chiếc răng đang phát triển của trẻ, thậm chí ảnh hưởng xấu đến cả những em bé chưa mọc răng. Đường cũng dẫn đến sự tăng cân thiếu lành mạnh và không cần thiết ở trẻ sơ sinh. Lượng đường mà con cần mỗi ngày nên được cung cấp đủ thông qua trái cây, rau củ và sữa mà con uống mỗi ngày.
3. Mật ong
Đôi khi mật ong có chứa một loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh - một căn bệnh hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Tránh sử dụng mật ong cho đến khi con qua 1 tuổi để đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngay cả sau 1 tuổi, lượng mật ong có thể sử dụng cho cũng ở mức hạn chế nhất có thể bởi chúng có thể là nguyên nhân gây ra sâu răng cho trẻ
4. Thực phẩm tách béo
Chất béo là nguồn năng lượng quan trọng cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Thực phẩm có chứa đầy đủ chất béo (ví dụ như sữa, sữa chua, pho mát) là bắt buộc cho trẻ cho đến khi hai tuổi. Bố mẹ có thể nghĩ đến việc cho trẻ ăn thực phẩm ít béo theo khuyến nghị của các bác sĩ dinh dưỡng nếu cần. Và những thực phẩm ít béo đôi khi sẽ có lượng đường cao hơn các sản phẩm thông thường, đây là một lưu ý quan trọng mà nhiều bậc phụ huynh thường bỏ qua khi lựa chọn thực phẩm cho con.
5. Các loại hạt nhỏ và quả nguyên hạt
Lý do là bởi những loại thực phẩm này có nguy cơ gây nghẹt thở ở trẻ nhỏ, bởi vậy bố mẹ cần hết sức chú ý hạn chế cho trẻ ăn hoặc cho ăn dưới sự giám sát nghiêm ngặt cho đến khi trẻ được 5 tuổi. Ví dụ như lạc, đỗ tương, đậu ván, quả nhãn, mật, mơ, na… Nếu muốn cho trẻ ăn, bố mẹ có thể xay nhuyễn các loại hạt để nấu cháo, bột. Hãy thận trọng và thảo luận về việc đưa các loại hạt vào chế độ ăn uống của bé với bác sĩ dinh dưỡng. Nếu có tiền sử dị ứng, hen suyễn trong gia đình, bố mẹ sẽ cần phải đợi đến khi con thực sự an toàn với các loại hạt này thì mới có thể đưa chúng vào chế độ dinh dưỡng của con. Với các loại quả, hãy tách hạt cẩn thận trước khi cho con ăn và để xa tầm tay con những quả chưa được tách tránh việc con tò mò nếm thử gây hóc nghẹn.
6. Trứng chưa chín
Trứng chưa nấu chín có thể gây ngộ độc thực phẩm (vi khuẩn salmonella) vì vậy không nên dùng lòng đỏ cho bé. Trứng an toàn từ 6 tháng tuổi nhưng phải nấu chín kỹ cả quả trứng (lòng đỏ và lòng trắng). Con có thể ăn trứng có lòng đỏ từ 1 tuổi sau khi được kiểm tra là an toàn với sức khỏe của con. Trứng cũng là một loại thực phẩm có thể gây dị ứng ở một số trẻ sơ sinh, vì vậy bố mẹ cần chú ý khi cho trẻ ăn trứng lần đầu tiên trong thực đơn ăn dặm.
7. Động vật giáp xác
Không nên cho trẻ ăn động vật giáp xác chưa được nấu chín kỹ như tôm, cua, bề bề… vì có thể gây ngộ độc thực phẩm. Tốt nhất là hãy đợi cho đến khi con khoảng 9 tháng tuổi trở lên để có thể thử những loại thực phẩm này. Đây cũng là một trong những loại thực phẩm có thể gây dị ứng, nhất là với gia đình có tiền sử dị ứng động vật giáp xác. Nên bố mẹ cần kiểm tra kỹ và thử từng chút một trước khi cho con ăn.

8. Lúa mì và thực phẩm chứa gluten
Nên tránh ăn cho con ăn trước 6 tháng tuổi vì chúng có thể gây dị ứng.
9. Sữa bò
Tránh sử dụng sữa bò làm thức uống chính vì nó thiếu sự cân bằng các dưỡng chất thích hợp cho trẻ sơ sinh dưới một tuổi. Hãy cứ tiếp tục cho con ăn với sữa mẹ hoặc sữa công thức cho đến khi trẻ được 1 tuổi. Lượng sữa sẽ giảm dần khi con ăn dặm nhiều hơn tùy theo quá trình phù hợp với trẻ.
10. Trà và cà phê
Caffeine không chỉ làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ mà còn làm giảm khả năng hấp thụ sắt, gây bất lợi cho sức khỏe của trẻ và có thể tiềm ẩn nguy cơ thiếu máu. Tuyệt đối không cho con thử hay sử dụng xen lẫn trong bữa ăn, thay vào đó, cho con uống từng ngụm nước lọc hoặc nước hoa quả khi con cần.
11. Nước bí đao, sữa tươi vị nhân tạo và đồ uống có vị béo ngậy
Những đồ uống này không cần thiết cho trẻ. Chúng chứa thêm đường, có thể dẫn đến sâu răng và tăng cân. Thay vào đó, cho uống từng ngụm nước lọc hoặc nước hoa quả trong bữa ăn của con.
Trên đây là 11 loại thực phẩm mà bố mẹ cần tránh khi bắt đầu xây dựng thực đơn ăn dặm cho trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, với cả những em bé trên 1 tuổi thì việc bổ sung những thực phẩm này cũng cần được tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng về nguy cơ dị ứng và ngộ độc thực phẩm cũng như ảnh hưởng xấu đến khả năng phát triển của trẻ.