Tập chấm cho bé - có nên bỏ qua?
Đã cập nhật: 22 thg 12, 2021
Một trong các điều được đưa ra trong những cuốn sách BLW cho bé, đó là giai đoạn tập chấm. Một số người thấy mất kiên nhẫn và khó khăn trong giai đoạn này và bỏ qua luôn. Tất nhiên là khó, vì bé đã bắt đầu tiến đến một tầm cao mới, học kỹ năng ăn kết hợp. Hy vọng bài chia sẻ kinh nghiệm nho nhỏ này sẽ giúp ích được cho mọi người nhé.

1. Khi nào có thể tập chấm cho con?
Sau khi con đã thạo bốc nhón, con đã sẵn sàng bước lên một giai đoạn nâng cao hơn. Đó là tập chấm, sau đó tập xúc thìa.
2. Tại sao nên hướng dẫn con tập chấm?
Tập chấm và tập xúc thìa đòi hỏi sự kết hợp động tác liên hoàn, đòi hỏi sự khéo léo hơn nữa từ tay của con. Tập chấm: Cầm đồ ăn lên - đưa chính xác đồ ăn vào đĩa chấm – chấm đồ ăn – đưa lên miệng chính xác. Tập thìa: Cầm thìa lên – đưa chính xác thìa vào bát/đĩa sâu lòng – xúc thức ăn – đưa lên miệng chính xác.
Như ta có thể thấy, tập chấm và tập thìa có nhiều động tác tương tự nhau, nhưng tập chấm thì ít hơn. Nếu bé biết chấm trước, thì việc tập thìa dĩa trở nên dễ hiểu với bé hơn, động tác cũng bớt vụng về hơn, cũng như rút ngắn thời gian tập thìa đi 1 chút.
3. Có nhất thiết phải tập chấm không?
Rất nên. Nhưng cũng có nhiều mẹ bỏ qua giai đoạn này và tiến thẳng đến giai đoạn tập thìa dĩa. Việc này cũng không sao nếu bé đáp ứng tốt việc tập thìa. Nhưng làm việc gì cũng vậy, nên xây từ thấp lên cao thì sẽ vững chãi hơn, giai đoạn tập xúc thìa của bé sẽ bớt mài mòn sự kiên nhẫn của mẹ hơn.
4. Tập bao lâu thì con thành thạo?
Tuỳ khả năng từng bé. Có bé tập nhanh, bé tập chậm, việc này không ảnh hưởng đến khả năng phát triển của con nên mẹ đừng lo. Có thể còn do điều kiện ngoại cảnh nữa. Nhưng tập chấm không quá khó nên nếu kiên trì thì chắc chắn sẽ có kết quả nhé mọi người.
5. Tập chấm như thế nào?
Cho con ăn lửng dạ để không mất kiên nhẫn khi tập kỹ năng mới. Những lần đầu giới thiệu bát chấm, bé chưa quen, có thể lấy tay chọc, bôi nhoe nhoét, hất văng. Mẹ đừng cáu nhé, hãy nhẹ nhàng lôi kéo sự chú ý của bé và làm mẫu cho bé xem. Hỗ trợ giảm dần đối với bé (Nắm tay bé đang cầm đồ ăn, chấm và thả ra để tự con đưa vào miệng, nhưng lần sau giảm dần sự hỗ trợ). Nếu bé cảm thấy hết hứng thú thì ngừng ngay. Lần sau giới thiệu tương tự cho đến khi bé đã quen với sự hiện diện của đĩa chấm thì có thể đặt ngay từ đầu bữa ăn.
6. Kinh nghiệm tập chấm của Nana:
Nana ăn BLW từ 6 tháng, đến hơn 9 tháng mới thấy hiệu quả sau khi con thạo bốc nhón, trước đó thì ăn như 1 trò đùa. Giống các mẹ, mẹ Nana cũng trải qua những giây phút nước sôi lửa bỏng, sẽ sốt ruột và lo lắng khi con chả ăn được mấy. Nhưng đỡ hơn là đã trải qua chị Bebe BLW 1 lần nên đỡ hốt hoảng.
Nana ăn BLW từ 6 tháng, đến hơn 9 tháng mới thấy hiệu quả sau khi con thạo bốc nhón, trước đó thì ăn như 1 trò đùa. Giống các mẹ, mẹ Nana cũng trải qua những giây phút nước sôi lửa bỏng, sẽ sốt ruột và lo lắng khi con chả ăn được mấy. Nhưng đỡ hơn là đã trải qua chị Bebe BLW 1 lần nên đỡ hốt hoảng.
Theo lý thuyết, thì sau khi con hoàn thành kỹ năng bốc nhón, mẹ có thể tập cho con kỹ năng chấm, sau đó là giới thiệu dĩa rồi thìa. Nhưng đến lúc này, mẹ đang tận hưởng những lúc con trộm vía thần lợn nhập, ăn cả thế giới, nên khá lười giới thiệu kỹ năng mới cho con. Sau vài lần thử hướng dẫn con chấm, sử dụng dĩa và thìa khi con được 10 tháng, mẹ lười luôn và chỉ làm bữa đực bữa cái, tuỳ duyên 😂.
Cho đến khi Tết ập vào bà con ạ. Chính xác là nỗi sợ to lớn nhất của mẹ khi con không còn chịu ngồi ghế ăn, mà cứ gào lên đòi ra khỏi ghế, ném đồ ăn và hóng hớt khắp nơi. Toanggggg. Kỷ luật bàn ăn để con có lại nết ăn tập trung và hiệu quả như xưa.
Thế là mẹ Nana tranh thủ lần kỷ luât bàn ăn này để tập kỹ năng mới cho con luôn. Đằng nào cũng ăn không hiệu quả, con chán kiểu ăn này thì mình lái sang kiểu khác, nhỡ đâu con thích mà tập trung ăn hơn thì sao. Thế là ủ mưu. May sao trộm vía Nana lại hợp.
Khi Nana hất nguyên khay, đòi đứng lên, mẹ thu lại khay, đưa bát chấm và 1 miếng bánh hay miếng gì đó cho con cầm. Thế là thấy là lạ, lại yên. Mẹ cầm tay con bảo “Mình chấm sốt ăn ngon nhé!”. Mẹ cầm tay Na giúp chấm vào bát và đưa gần miệng con, chờ con há miệng liếm liếm, cho vào mồm. Lần thứ 2, vẫn giúp con chấm vì con chưa chủ động, khuyến khích con tự đưa lên mồm ăn. Nếu con không ăn và vứt thì mẹ lấy 1 miếng khác, gọi con, lấy lại sự chú ý, vừa chấm vừa đưa lên mồm ăn cho con xem, rồi thể hiện niềm sung sướng khi được ăn (có thể là vỗ tay). Lại tiếp tục khuyến khích con. Nếu con không thấy hứng thú nữa mà vứt và đòi đứng lên thì ngừng, và áp dụng kỷ luật bàn ăn như bình thường. Cơ hội ăn lần 2 và 3 vẫn cho ăn đồ bốc trước, khi con mất tập trung lại giới thiệu đồ chấm. Hết 3 lần cơ hội thì nghỉ ăn.
Mấy ngày sau, khi con đã quen với sự hiện diện của bát chấm, không còn hất bát nữa, thì chuyển tập chấm lên trước. Vẫn giới thiệu từng miếng 1 để con tập chấm chứ không để cả khay, con sẽ mất tập trung.
Và một ngày đẹp trời đến, Nana tự chấm đồ ăn, ăn ngon lành trước sự sung sướng của mẹ. Nana biết chấm lúc 11 tháng rưỡi, và 13 tháng đã tự xúc được gần hết bát cơm ăn ngon lành.
Chuyện tập thìa, mình chia sẻ ở kỳ sau nhé hihi.
------------------------------------------------
------------------------------------------------
Smart Weany - Nhà phân phối duy nhất của Tidy Tot tại Việt Nam
Miễn phí giao hàng toàn quốc cho đơn hàng từ 500.000 VNĐ
Shopee: bit.ly/39kKzwT
Tiki: bit.ly/3v6m2F2
Lazada: https://bit.ly/3p7ycLu